Không nên học thuộc lòng mà nên học hiểu những nội dung chính của từng bài/chương từ 1-2 lần, sau đó xếp sách lại và lấy quyển tập trắng để ghi lại dàn ý chính của bài đó (nếu quên thì lật sách ra xem lại).
- Sau đó các em tự trả lời những câu hỏi ở sách giáo khoa và sách bài tập. Nếu câu nào không trả lời được hoặc không tự tin thì hãy xem lại nội dung của bài đó kỹ hơn 1 lần nữa; nếu cần có thể trao đổi với các bạn hoặc thầy cô để hiểu kỹ hơn (với những câu có sự góp ý của thầy cô và bạn bè thì nên ghi lại).
- Học lần lượt từng bài trong chương như vậy cho đến khi hết 1 chương thì tổng kết chương đó bằng dàn bài tổng quát của chương và hãy tìm ra mối liên hệ của các bài qua những đặc điểm: khái niệm, nguyên nhân, cơ chế, vai trò, chức năng…
Ví dụ: chương quy luật di truyền
+ Khi học bài quy luật của Men-đen thì các em phải hiểu thế nào là mỗi gen quy định 1 tính trạng, nằm trên 1 NST khác nhau và sự di truyền của tính trạng đó như thế nào. Hiểu bảng công thức tổng quát của sách để làm bài tập.
+ Đến bài quy luật Liên kết gen và hoán vị gen thì phải hiểu thế nào là liên kết gen? Thế nào là liên kết gen hoàn toàn, thế nào là liên kết gen không hoàn toàn (hoán vị gen)? Liên kết gen hoàn toàn và hoán vị gen khác nhau như thế nào? Sự khác nhau này đã dẫn đến kết quả gì? Hoán vị gen và liên kết gen hoàn toàn có ý nghĩa như thế nào đối với di truyền, tiến hóa và chọn giống? Các em phải chú ý đến trường hợp hoán vị gen vì nó có sự xuất hiện tỉ lệ của giao tử liên kết, giao tử hoán vị và tần số hoán vị gen (cần phải hiểu thật kỹ chỗ này vì nếu không các em sẽ rất khó khăn khi làm bài tập dạng này).
+ Đến bài Tương tác gen, phải hiểu thế nào là nhiều gen quy định 1 tính trạng? Kết quả của những kiểu tương tác đã cho ra những tỉ lệ kiểu hình nào? So sánh các kiểu tương tác đó để thấy được đặc điểm của từng kiểu tương tác và vai trò của các gen không alen? Ngoài ra cũng cần phải hiểu thế nào là gen đa hiệu?
+ Đến bài Di truyền liên kết với giới tính thì phải hiểu đặc điểm và chức năng của cặp NST giới tính? Cơ chế di truyền của gen trên NST giới tính (chú ý trường hợp gen trên NST giới tính X không có alen trên Y)? Hiểu thế nào là lai thuận nghịch và kết quả của lai thuận nghịch đối với gen trên NST X khác như thế nào đối với gen trên NST thường.
+ Đến bài Di truyền ngoài nhân thì phải giải thích được tại sao kết quả lai thuận nghịch khác nhau nhưng gen không nằm trên NST giới tính? Phải hiểu được những đặc điểm di truyền do gen ngoài nhân quy định.
+ Đến bài Ảnh hưởng của ngoại cảnh lên kiểu gen và kiểu hình thì các em phải hiểu được mềm dẻo kiểu hình (thường biến) là gì? Đặc điểm của thường biến? Phải hiểu thế nào là mức phản ứng và đặc điểm của nó? Mối quan hệ giữa kiểu gen-kiểu hình-môi trường trong sản xuất và chăn nuôi.
+ Sau khi đã học hết các bài trong chương, hãy tóm tắt lại những ý chính cần nhớ và tìm những điểm giống nhau, khác nhau của từng quy luật để rút ra kết luận. Sau đó hãy trả lời các câu hỏi cũng như làm các bài tập của chương, chỗ nào khó không hiểu thì đánh dấu để trao đổi lại với bạn bè hoặc thầy cô.
- Sau khi đã học hết lý thuyết trong sách giáo khoa, cần ôn lại thì có thể nhìn vào cuốn tập đã ghi chép dàn ý lúc đầu để nhớ lại 1 cách tổng quát của từng bài hoặc từng chương.
II) Cách làm bài trắc nghiệm
- Nên làm từ trên xuống dưới theo nguyên tắc câu hỏi dễ làm trước, riêng câu bài tập nếu thấy dễ thì các em cần phải cẩn thận kẻo bị đánh lừa.
Ví dụ 1 đề thi đã cho câu như thế này: Có 3 tế bào sinh tinh của 1 cá thể có KG AaBbddEe tiến hành giảm phân bình thường hình thành tinh trùng. Số loại tinh trùng tối đa có thể tạo ra là:
A) 8 B) 6 C) 12 D) 4
Đây là 1 câu bài tập không khó nhưng nếu em nào không chú ý đến chữ “có 3 tế bào sinh tinh” và không hiểu rõ về cơ chế giảm phân của 1 tế bào sinh tinh thì sẽ chọn ngay đáp án là 8 (đáp án đúng phải là 6).
Ví dụ 1 câu khác: Có 8 phân tử ADN tự nhân đôi 1 số lần bằng nhau đã tổng hợp được 112 mạch polynuclêotit mới lấy nguyên liệu hoàn toàn từ môi trường nội bào. Số lần tự nhân đôi của mỗi phân tử ADN là:
A) 4 B) 6 C) 5 D) 3
Ở câu này rất nhiều em sẽ chọn đáp án là 4, đây là đáp án sai vì các em không để ý đến chữ “tổng hợp được 112 mạch polynuclêotit mới lấy nguyên liệu hoàn toàn từ môi trường nội bào”. Câu này rất dễ nhưng vì các em không hiểu rõ cơ chế nhân đôi của ADN và quá vội vàng nên đã chọn sai đáp án (đáp án đúng là 3).
- Sau khi đã làm hết câu dễ thì làm đến câu khó và cũng làm theo thứ tự từ trên xuống. Đối với những câu mà các em cho là khó thì khi đọc qua nên gạch dưới những từ mà các em không hiểu và sau đó tập trung suy nghĩ (nhưng lưu ý không được suy nghĩ quá 1 phút). Nếu đến 1 phút mà vẫn chưa nghĩ ra thì nên bỏ qua câu đó để làm câu khác, khi nào còn thời gian sẽ quay lại câu đó.
- Nếu gần hết giờ mà vẫn chưa nghĩ ra đáp án của những câu khó thì các em nên chọn những đáp án có tính chất may rủi, tránh bỏ trống đáp án.
III) Những điều cần lưu ý
1) Về lý thuyết:
+ Phải học hiểu những bài trong sách giáo khoa do Bộ Giáo dục-đào tạo ban hành
+ Cần phải xem qua từng bài của cả 2 quyển sách nâng cao và cơ bản vì nó có thể bổ sung kiến thức giúp các em hiểu rõ bài hơn
+ Không được bỏ qua những bài đọc thêm trong sách giáo khoa
+ Nếu có thời gian thì đọc thêm tài liệu qua các sách tham khảo hoặc qua Internet
+ Không học dồn mà hãy phân chia thời gian học sao cho hợp lý
+ Cần tham khảo qua cấu trúc đề thi của bộ để có thể biết được phần nào quan trọng mà có sự phân bố trong cách học cho hợp lý
2) Về bài tập:
+ Rèn luyện kỹ năng tính toán bằng máy tính cho thật nhanh
+ Không nên học thuộc công thức và cách giải bài mẫu mà phải hiểu bài đó tại sao phải làm như vậy thì mới ra được kết quả
+ Cần rèn luyện nhiều các dạng toán quy luật di truyền, vì phần này chắc chắn sẽ có trong đề thi và đa số các em đều cho là khó
+ Cần phải rèn luyện thêm các dạng toán tính xác suất, dạng toán có tổ hợp chết hoặc giao tử không thụ tinh
+ Những dạng toán đề thi cho thường không khó và rất cơ bản (nhưng có gài câu chữ) nên không cần phải tìm những dạng toán lạ và quá khó sẽ làm các em bối rối và lo lắng
+ Nên tham khảo đề thi của những năm trước và làm thử, nó sẽ tạo cho các em sự tự tin và biết được những hạn chế của mình để khắc phục.
Nguồn Báo Tuổi trẻ Online
Đăng nhận xét