Kiến trúc sư là người có nhiệm vụ kế thừa, phát triển và thiết kế nên bản sắc văn hóa của công trình, đô thị và quốc gia. Nói thế để thấy rằng người kiến trúc sư có vai trò rất lớn lao và quan trọng. Đây cũng là nghề được các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm.
Một số nghề nghiệp trong ngành kiến trúc
Quy hoạch xây dựng.
Bao gồm các lĩnh vực:
+ Quy hoạch vùng: Dựa vào “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” của vùng được phê duyệt, kiến trúc sư quy hoạch xây dựng hệ thống phân bố dân cư hệ thống các đô thị chính, khu công nghiệp, nông lâm nghiệp, các Khu Kinh tế đặc thù v.v... Kiến trúc sư quy hoạch vùng thiên về tư duy hệ thống, tư duy phân tích và dự đoán, ít tính tạo hình.
+ Quy hoạch đô thị: Kiến trúc sư bố trí, sắp đặt, tổ chức hệ thống không gian đô thị như: nơi ở, nơi làm việc, hệ thống đường giao thông, bến tàu, bến cảng v.v...
+ Thiết kế đô thị và thiết kế cảnh quan: Họ chính là các kiến trúc sư thiết kế “nội thất cho đô thị”. Tư duy thiên về tạo hình vật thể với tỷ lệ, vật liệu, màu sắc, hướng vận động và ý nghĩa của tất cả các yếu tố vật thể như: hình dáng công trình kiến trúc, khoảng trống, vật liệu nền hè, đường đi bộ, biển chỉ đường v.v...
Thiết kế công trình kiến trúc
Đây là công việc thu hút đông đảo kiến trúc sư nhất. Nếu thiết kế quy hoạch cần nhiều lao động tập thể thì thiết kế công trình lại đề cao năng lực cá nhân. Hình thức kiến trúc công trình phản ánh rõ tính cách, năng lực và gu thẩm mỹ của tác giả.
Từ nhu cầu, hoạt động của người sử dụng, kiến trúc sư vẽ ra sơ đồ công năng, tổ chức các không gian tương ứng với hoạt động, rồi chọn bộ khung phù hợp cho các không gian đó.
Kiến trúc sư công trình còn phải liên tưởng và vẽ ra mặt đứng của công trình, lựa chọn hình khối, vật liệu xây dựng cho công trình, cũng như hình dung và vẽ ra hình ảnh tương lai của nó. Trong chuyên môn, người ta gọi là vẽ phối cảnh.
Thiết kế nội thất
Là trang trí bên trong công trình, thiết kế, lựa chọn và bố trí không gian, vật dụng trong công trình. Kiến trúc sư nội thất có thẩm cảm tinh tế, khéo tay, tư duy với những đối tượng cụ thể. Kiến trúc sư nội thất đòi hỏi rất am hiểu tâm lý, sở thích, tính cách, thói quen của chủ nhà, từ đó tìm ra phong cách nội thất phù hợp.
Kiến thức
- Có hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn hóa, quản lý, xã hội luật pháp và nhu cầu của con người
- Am tường các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ
Kỹ năng
- Có sự sáng tạo, hiểu biết nghệ thuật
- Có khả năng tưởng tượng, hình khối hóa
Khả năng
- Năng lực tư duy thẩm mỹ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp
- Có khả năng làm việc cường độ cao, áp lực công việc nặng- Co
Thái độ
- Khao khát sáng tạo, đam mê hình khối, háo hức tạo dựng công trình.
- Kiên trì, sáng tạo, ham học hỏi.
- Có bản lĩnh, kiên định
Một số địa chỉ đào tạo
Tùy vào từng trường mà có yêu cầu thi riêng.
Bạn có thể học ngành này tại: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Dân lập Đông Đô, Trường Đại học Dân lập Phương Đông v.v...
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Kiến trúc sư thường làm việc tại văn phòng tư vấn thiết kế, xưởng thiết kế. Công trường cũng là một địa chỉ gắn bó với kiến trúc sư khi họ phải đi khảo sát thực tế hay điều hành dự án.
Kiến trúc sư chủ yếu làm việc tại các văn phòng tư vấn, trong và các xưởng thiết kế khá tiện nghi. Đôi khi họ phải đi thực tế, giám sát thi công. Công việc này vất vả nhưng lại rất thú vị. Làm việc trong nghề này nghĩa là bạn chấp nhận áp lực công việc lớn, có thể nhiều đêm phải thức trắng để hoàn thành thiết kế kịp thời gian.
Cũng như nghề thiết kế, nhiều kiến trúc sư làm việc độc lập hoặc cùng một số đồng nghiệp lập ra xưởng, công ty kiến trúc của mình.
Mức thu nhập trung bình
- Lương cho sinh viên mới ra trường: 4 - 6 triệu VND/ tháng
- 1 năm: 7-8 triệu VND/ tháng
- 2-3 năm: 9-10 triệu VND/ tháng
- Trên 5 năm: Trên 15 triệu VND/ tháng
Xem thêm thông tin: http://luyenthibmt.webnode.vn/news/gi%e1%bb%9bi-thi%e1%bb%87u-v%e1%bb%81-nganh-ki%e1%ba%bfn-truc/
Tạo trang web cá nhân miễn phí: http://www.webnode.com
Đăng nhận xét